Nhân chứng

Ionophorese(điện di ion) – phương pháp mới chữa ra mồ hôi tay chân

Anh Giang đang điều trị bằng Ionophorese đồng thời cả chân và tay.

Anh Đỗ Đức Giang, 21 tuổi, Hà Nội, giờ đây đã có thể cầm lại cây bút vẽ, khi bàn tay không còn sũng nước như trước nữa. Đó là kết quả sau 6 buổi anh tham gia điều trị Ionophorese, một phương pháp mới chữa ra mồ hôi chân tay lần đầu tiên được ứng dụng tại Việt Nam.

Giang bị ra mồ hôi chân tay từ nhỏ, và càng lớn bệnh càng nặng. Năm lớp 12, anh phải từ bỏ thiên hướng yêu thích là kiến trúc chỉ vì không thể đánh bóng được tranh – công đoạn yêu cầu cầm bút miết đi miết lại – do nước từ tay bắn thành giọt vào giấy vẽ. Giang từng thử uống rất nhiều loại thuốc bắc và nam, song mất quá nhiều thời gian mà không hiệu quả. Anh cho biết chỉ sau vài buổi trị bằng phương pháp Ionophrese, tay đã khô rõ rệt.

Bác sĩ Phạm Thị Hương, khoa da liễu, Bệnh viện Việt – Pháp, cho biết tuyến mồ hôi là cơ quan điều hòa nhiệt độ của cơ thể, giữ cho thân nhiệt con người luôn bình ổn ở 37 độ C. Song, khi vỏ não không điều khiển được tuyến mồ hôi, hoặc cơ thể bị một bệnh nội khoa nào đó, các tuyến này sẽ bài tiết quá mức, gây nên bệnh ra mồ hôi nhiều (hoặc chỉ tập trung ở chân tay, hoặc trên toàn cơ thể). Ở một số người, mồ hôi thậm chí đọng thành giọt, hoặc chảy ròng ròng, khiến người bệnh rất khó chịu, và cản trở việc lao động, sinh hoạt hàng ngày của họ. Ảnh hưởng nặng nhất là những người làm công việc có liên quan đến giấy tờ như thư ký, học sinh, họa sĩ, hoặc các vận động viên quần vợt, nhà ngoại giao. Người bị bệnh này cũng không thể làm những công việc liên quan đến thiết bị điện tử như lắp ráp, sửa chữa đồng hồ, máy tính.., do mồ hôi ra làm rỉ thiết bị. Một nghiên cứu mới đây của Pháp cho thấy có khoảng 12% dân số từ 15 tuổi trở lên bị ra mồ hôi chân tay nhiều. Tỷ lệ này cũng đúng với Việt Nam và các nước khác trên thế giới.

Tới nay, để khắc phục căn bệnh này, các bác sĩ thường áp dụng hai phương pháp cổ điển là tiêm nước sôi vào hạch thần kinh giao cảm cạnh sống hoặc cắt bỏ nó. Tuy nhiên, cả hai phương pháp này đều đòi hỏi phẫu thuật, không triệt để, dễ tái phát. Bệnh nhân có khi khô được tay phải thì tay trái hoặc chân lại tiết nhiều mồ hôi hơn, hoặc khô được cả tay và chân thì mồ hôi lại tập trung lên đầu và nách. Nghiêm trọng hơn, có nhiều trường hợp bị tai biến (như tràn khí màng phổi…).

Phương pháp Ionophorese không đòi hỏi bệnh nhân phải phẫu thuật, không cần dùng thuốc và cho hiệu quả rất cao. Phương pháp này khá phổ biến trên thế giới, nhưng hiện mới chỉ được áp dụng tại bệnh viện Việt – Pháp, Hà Nội (đã có khoảng 40 ca đỡ hẳn, tỷ lệ thành công là khoảng 80%). Để điều trị, bệnh nhân ngâm chân, tay vào trong một dung dịch ion, nơi có dòng điện một chiều chạy qua. Dòng điện cường độ 10 miliampe sẽ làm co các tuyến mồ hôi, khiến chúng tiết ra ít hơn. Đầu tiên, bệnh nhân được điều trị tích cực trong khoảng 1 tháng, với 3 buổi/tuần và mỗi buổi kéo dài 20 phút (với tay), 20 phút (với chân). Đến buổi điều trị thứ 6-7, chân tay bệnh nhân đã gần như khô hẳn. Sau đó, tùy từng người, sẽ tiếp tục được điều trị 1 lần/tuần hoặc 1 lần/2 tuần. Khi điều trị, bệnh nhân chỉ thấy hơi tê tê ở cánh tay hoặc chân, chứ không có tác dụng phụ nào đặc biệt.

Bác sĩ Hương cũng lưu ý những trường hợp không áp dụng được phương pháp này là trẻ em dưới 12 tuổi (vì các cháu thường sợ, không hợp tác với bác sĩ), người đang đeo máy tạo nhịp tim, người bị chấn thương có đóng nẹp, đinh vít kim loại trong người và phụ nữ có mang.

Tuy nhiên, cũng theo anh Giang, phương pháp này hiện còn khá đắt. Chi phí cho điều trị trong tháng đầu tiên tại Bệnh viện Việt – Pháp là 180 USD (khoảng gần 3 triệu đồng), là mức giá khá cao với nhiều người có mức thu nhập trung bình hoặc thấp.

Bích Hạnh

(VnExpress)

————————————————————————————-

Hiện nay phương pháp này bắt đầu phổ biến tại Việt Nam : Tại Hà Nội, Đà Nẵng, Sài Gòn đều có điều trị, với giá cả cũng thấp hơn nhiều.

2 Responses

  1. Neu lam phuong phap nay thi moi thang deu phai dieu tri.vay den khi nao thi khoi han va ngung dieu tri vay

Leave a comment